Tiểu sử Cảnh_Hư

Thiền sư Triều Tiên

Sư sinh ngày 24 tháng 8 năm 1846 tại tỉnh Jeonju, Nam Hàn, tục danh là Tống Đông Húc(kr: Tong Dong-uk). Thủa nhỏ tên thường gọi là Kim Chân Tinh, cha tên là Tống Đẩu Ngọc và mẹ là bà Mật Dương Phác Thị. Năm 8 tuổi, cha sư qua đời, sư cùng mẹ đến cư ngụ tại Thanh Khê Tự(kr: Cheonggyesa) ở Gwajeon và xuất gia, tu học với đại sư Quế Hư(Gyeheo).

Năm 13 tuổi, sư học chữ Hán với một vị Nho sĩ ở trong chùa, sư học rất nhanh và tỏ ra là một người thông minh. Bản sư Quế Hư thấy được tố chất nên gửi sư đến tu học với Đại sư Vạn Hóa (Manhwa) tại Đông Hạc Tự(kr: Donghaksa) vào năm 14 tuổi. Tại đây, sư không những học tập và thông suốt các Kinh điển Phật giáo mà còn nghiên cứu và am hiểu thêm về Đạo giáoNho giáo. Vì có tài năng xuất chúng nên sư được cử làm giảng sư và giảng pháp cho các tăng sĩ tại Đông Hạc Tự vào năm 23 tuổi.

Đến năm 33 tuổi, một bước ngoặt lớn xảy ra đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường tu tập của sư. Khi sư đi đến Soeul để gặp bản sư của mình là đại sư Quế Hư-người đã hoàn tục và trở lại với cuộc sống thế tục, trên đường đi một cơn bão đã xảy ra. Sư đi qua một ngôi làng bị dịch tả ở Cheonan và cố gắng gõ cửa xin các ngôi nhà xung quanh chổ trú mưa nhưng đều bị từ chối vì sợ sư sẽ mang bệnh dịch tới họ. Không thể tìm được nơi trú ẩn, sư buộc phải ở cả đêm ngoài trời dưới một cái cây lớn ngoài làng và đối mặt với sự sợ hãi và cái chết. Sư nhận ra rằng vấn đề đại sự sinh tử là việc quan trọng nhất và những gì mà mình đạt được chỉ là mặt tri kiến, hiểu biết, không phải là việc giải thoát.

Sau đó, sư trở lại Đông Hạc Tự và tuyên bố với các tăng sĩ ở đó rằng: ”Các vị đến đây để học Kinh và nghe tôi thuyết pháp. Nhưng tất cả lời tôi nói chỉ là lời của Phật, không phải là tâm Phật. Mặc dù tôi đã đạt sự hiểu biết về các Kinh điển, nhưng tôi vẫn chưa ngộ ra được bản tâm chân thật của mình. Vì vậy tôi sẽ không thuyết pháp nữa, nếu quý vị muốn tiếp tục học tập Kinh điển, sẽ có nhiều vị đại sư khác sẵn sàng dạy cho các vị. Tôi đã quyết định phải tìm ra bộ mặt thật xưa nay của chính mình và sẽ không thuyết pháp nữa cho đến khi nào đạt giác ngộ”. Sư đóng của phòng lại và quyết tâm tham cứu câu thoại mà sư đã thấy trong một tập công án, câu nói của Thiền sư Linh Vân Chí Cần: ”Chuyện lừa chưa xong, chuyện ngựa lại đến”. Sư quyết tâm đến độ khi cơn buồn ngủ đến, sư lấy cây sắt nhọn đâm vào đùi và đưa cằm lên bằng mũi dao để chuyên tâm tọa Thiền. Sau ba tháng chuyên tâm tham Thiền, một hôm nọ khi nghe một vị tăng tụng câu: ”Một con bò không có lỗ mũi! Đó là cái gì?”, sư liền đại ngộ.

Sau sư đến ẩn cư và tiếp tục tu tập tại am Thiên Tạng ở núi Yeonamsan. Một hôm, khi nghe tiếng hát, sư đại triệt đại ngộ và xem mình là người nối pháp của Thiền sư Long Am(Yongam)- người kế thừa dòng pháp của Đại sư Tây Sơn và Thiền sư Hoán Tình(Hwan-Seong), và sư có làm bài kệ tỏ ngộ như sau:

Hốt văn nhân ngữ vô tị khổng

Đốn giác tam thiên thị ngã gia

Lục nguyệt Yến Nham sơn hạ lộ

Dã nhân vô sự thái bình ca.

Dịch:

Chợt nghe người nói không lỗ mũi

Liền nhận ba ngàn cõi là nhà

Núi Yến Nham lối về tháng sáu

Kẻ quê vô sự hưởng nhàn ca.

Trong 20 năm tiếp theo, sư khôi phục và truyền bá Thiền tông, đào tạo rất nhiều vị Thiền tăng theo truyền thống Thiền tham thoại đầu tại nhiều ngôi chùa như: Tu Đức Tự (Sudeoksa), Hải Ấn Tự (Haeinsa), Tùng Quảng Tự (Songgwangsa), Hoa Nghiêm Tự (Hwaomsa)...

Năm 1889, sư thành lập trung tâm Đạo tràng Thiền Xã tại Hải Ấn Tự, tích cực lan tỏa phong trào thực hành Thiền đến khắp nơi trên toàn quốc. Sư kế thừa và phát huy tư tưởng “Định Huệ Kiết Xã” và đường lối Thực hành Thiền Thoại đầu của Thiền sư Trí Nột. Từ sư đã sản sinh ra rất nhiều vị thiền sư nổi tiếng sau này, trong đó có 4 vị thiền sư xuất sắc nhất được nối pháp là: Thủy Nguyệt(Suwol), Huệ Nguyệt(Hyewol), Mãn Không(Mangong), Hán Nham(Hanam). Những vị này có vai trò rất lớn trong việc truyền bá và hoằng hóa Thiền tông, là trung tâm chính của Phật giáo Hàn Quốc. Từ các vị này đã sản sinh ra rất nhiều vị Thiền sư nổi trội cho Thiền phái Tào Khê và Thiền tông Hàn Quốc hiện đại và vẫn còn tiếp nối cho đến ngày nay.

Năm 1905, khi sư 59 tuổi, sư đột nhiên biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Sư ăn mặc thế tục và để tóc, đội mũ như các nhà Nho, đi lang thang khắp vùng Ganggye ở tỉnh Pyeongan-do và Kapsan ở tỉnh Hamgyeong-do, dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo, mù chữ.

Vào ngày 25 tháng 4 năm 1912, sư tắm rửa xong rồi an nhiên tọa thiền thị tịch, hưởng thọ 64 tuổi, hạ lạp 56 năm. Môn đệ là thiền sư Huệ nguyệtMãn Không làm lễ trà tỳ nhục thân sư trên núi Nandok. Trước khi tịch sư có để lại bài kệ:

Tâm nguyệt o viên

Quang thôn vạn tượng

Quang cảnh câu vong

Phục thị hà vật?

Dịch:

Trăng tâm tròn viên

Sáng trùm vạn vật

Tâm, cảnh đều mất

Gọi là vật chi ?